Canalblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
Publicité
asian.antic.arts
9 juillet 2016

CẶP BÌNH UNG CHÁNH HOÀNG ĐẾ BAN CHO ĐẠI TƯỚNG NIÊN CANH NGHIÊU NĂM 1724

 

 

Nien canh nghieu 2

MÔ TẢ:

Cặp bình sứ có dáng như hai đèn lồng báo hỷ.

Chiều cao 40 cm.

Chiều ngang đáy: 30cm.

Nắp chiều ngang: 16 cm.

Chạy vòng tròn phía trên bình có vòng nổi rất khó thực hiện xin tạm gọi là mí mắt của bình.(Tiếng Anh là LID)

Từ trên nhìn xuống có bốn chữ :          NHƯ Ý CÁT TƯỜNG

Cũng từ trên nhìn xuống có vòng chữ:

   ĐẠI THANH UNG CHÁNH NHỊ NIÊN XUYÊN THIỂM BÌNH TÂY ĐẠI TƯỚNG QUÂN NIÊN CANH NGHIÊU BÌNH PHẢN HỮU CÔNG BẢO BỐI

 

Cả hai bình đều ghi bài thơ ĐĂNG LÂU của ĐỔ PHỦ:

                                                                        ĐĂNG LÂU

                                             HÓA CẬN CAO LẦU THƯƠNG KHÁCH

                                             TÂM VẠN PHƯƠNG ĐA NẠN BỈ

                                             ĐĂNG LÂM CẨM GIANG XUÂN SẮC

                                             LAI THIÊN ĐỊA VƯƠNG LUẬT PHÙ

                                             VÂN BIẾN CỔ KIM BẮC CỰC

                                             TRIỀU ĐÌNH CHUNG BẤT KHẢO TÂY

                                             SƠN KHẤU ĐÀO MẠC TƯƠNG TRANH

                                             KHẢ LIÊN HẬU CHỦ HOÀN TỪ

                                             TRIỀU NHẬT MỘ LIÊU HẠC LƯƠNG

                                                                    PHỦ NGÂM

                                                                         HỶ

 

              Cặp bình này là sứ hầm hai lần (Biscuit).

Ung Chánh Niên Canh Nghiêu

CT: Nắp đề chữ NHƯ Ý CÁT TƯỜNG.

Vòng quanh là câu: "ĐẠI THANH UNG CHÁNH NHỊ NIÊN...."

                                                                                                              

Ung Chánh Hoàng Đế 001                                                                            Chú thích: Chân dung Ung Chánh Hoàng Đế.(Ảnh Wikipédia)

 

Nhận xét về ý nghĩa lịch sử của cặp bình:

Như vậy cặp bình này là của Ung Chánh ban cho Đại Tướng Niên Canh Nghiêu năm 1724, khi dẹp được giặc người Hồi Khosotes ở Tây Bắc là vùng Thanh Hải hiện nay.

Sự kiện lịch sử có thật này là và quan hệ của Ung Chánh và Niên Canh Nghiêu là một nghi vấn chưa sáng tỏ cho đến ngày hôm nay. Cũng như bản tính, con người, đối xử anh em, quần thần... của Ung Chánh là một vấn đề chưa được rõ khiến cho hậu thế không biết Ung Chánh là một minh quân hay là bạo chúa.

Sự kiện lịch sử ghi trong cặp bình có thể tóm tắc như sau:

- Ung Chánh lên ngôi khi Khang Hy qua đời cuối tháng 12 năm 1722. Năm 1723 là năm Ung Chánh Nguyên Niên. Vừa mới lên ngôi thì Ung Chánh đã phải đối phó với sự bất phục của gần hết các hoàng tử anh em khác. (Cuộc chiến Cửu Vương Đoạt Vi mà cuối cùng Dận Chân Ung Chánh đã dành được phần thắng).

 Chưa ngồi yên trên ngai vì thù trong chính gia đình thì tháng ba năm 1723, thủ lĩnh người KhoshotesHồi Giáo cướp phá và chiếm nhiều lãnh thổ phía Tây Bắc Trung Quốc, vùng Thanh Hải ngày nay.(Thủ lãnh cuộc nổi loạn là La Bối Tạng). Để đối phó với trận giặc đầu tiên của triều đại mình, Ung Chánh phong cho tướng lãnh tin cậy nhất của mình là Niên Canh Nghiêu làm "BÌNH TÂY ĐẠI TƯỚNG QUÂN".(Trong lúc đó chức vụ của Niên Canh Nghiêu là XUYÊN THIỂM TỔNG ĐỐC như ghi trong cặp bình. Tổng Đốc là tướng lãnh phụ trách việc binh cơ của một tỉnh. Niên phụ trách cả hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây nên gọi là Xuyên Thiểm Tổng Đốc.

Phó tướng của Niên Đại Tướng là Nhạc Chung Kỳ, hậu duệ của Nhạc Phi.

Nếu Niên Đại Tướng không dẹp được giặc ngoài thì Ung Chánh sẽ không thể ngồi yên trên ngài vàng với nội loạn của Bát Vương.Tương lai và sự nghiệp của Ung Chánh đặt hết trong con bài Niên Canh Nghiêu.

Tháng 5 năm 1723, Niên Canh Nghiêu xuất quân. Theo nhiều tài liệu thì số quân của Niên và Nhạc là 300.000 quân trong khi giặc chỉ có không tới 100.000.

Ung Chánh phải ngồi cả trên hai lò lửa đến tháng giêng 1724 (sự chống đối của các hoàng tử anh em và trận chiến biên giới chống người Khoshotes). Nếu Đại Tướng Niên và Phó Tướng Nhạc không thắng ở biên giới, thì Ung Chánh khó giữ ngai vàng vì chắc chắn các hoàng tử khác sẽ không phục.

Cuối tháng giêng hoặc đầu tháng hai, UNG CHÁNH nhị niên, Niên Canh Nghiêu báo tin toàn thắng và xin phép làm một số việc như truy tìm thủ lĩnh La Bối Tạng đang đào thoát, bình định địa phương... Tháng 5 năm 1724, Niên Canh Nghiêu kéo quân về ra mắt Ung Chán và Ung Chánh ra Ngọ Môn đón.

Cũng cần nhắc lại, dã sử qua các truyện và phim coi được cho đến nay đều cho rằng Niên là một trong hai người đã giúp Ung Chánh lên ngôi Hoàng Đế. Người còn lại là Long Khoa Đa, cận thần của Khang Hy. Dư luận cho rằng Long Khoa Đa là người đổi di chúc của Khang Hy đề tên Dận Chân vào để lên ngôi là Ung Chánh. Còn Niên Canh Nghiêu là người đem quân trấn giữ Bắc Kinh và khống chế quân của các hoàng tử khác, tránh việc cướp ngôi.v.v...

Cần biết rằng Niên là anh ruột của Đôn Túc Hoàng Quí Phi của Ung Chánh.

Về sau cả Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa đều bị bức tử vào năm 1726 và 1728. Cả hai đều có quan hệ gia đình với Ung Chánh. Niên là anh rể, Long là bà con xa của Khang Hy mà Ung Chánh gọi hàng chú.

 

Nhận xét về cặp bình:

- Nhìn nước men có thể biết cặp bình hầm hai lần và chắc chắn là hầm trong lò của Nội Vụ Phủ. Nội Vụ Phủ là cơ quan lo tất cả mọi việc để phục vụ cho Hoàng Đế và tất cả cho mọi người từ ăn mặc, đồ đạc, trang trí... trong hoàng cung. Từ năm 1691, vua Khang Hy lệnh cho Nội Vụ Phủ thành lập "Ngự Diêu Xưởng" là nơi nghiên cứu sản xuất đồ sứ theo ý vua rồi sau đó truyền đến các lò ngự dụng ở Cảnh Đức Trấn sản xuất theo mẫu mã được ghi rõ trên giấy. Ngự Diêu Xưởng còn có lò hầm để hoàn thành nhiều món sành sứ đã chuẩn bị sẵn từ Cảnh Đức Trấn đưa về đem thẳng vào lò. Hình như lò hầm trong Ngự Diêu Xưởng gọi là TRIỀU BÀN TRÙ.

 

 Có những món đã chuẩn bị hình dáng đồ sứ, hầm một lần ở Cảnh Đức Trấn rồi chở về để các nghệ nhân thuộc Nội Vụ Phủ trang trí, vẽ màu, viết chữ...để hoàn thành trong lò Ngự Diêu như cặp bình này.

- Như vậy, cặp bình này phải được chuẩn bị trong thời gian 3 tháng từ đầu tháng hai đến tháng năm 1724. Cho nên thai cốt của cặp bình đã có sẵn ở Bắc Kinh. Ba tháng không đủ cho Cảnh Đức Trấn lấy đất làm ra dáng, để khô, trang trí, viết chữ...rồi chở về Bắc Kinh. Nếu làm kịp, về tới mắt Ung Chánh mà không vừa ý thì không ai có thể trở tay làm theo ý trời. Cho nên, chỉ có cách là lấy bình đã sấy khô, cho thợ viết trong xưởng rồi hầm để dâng lên ngự lãm, nếu được thì ban cho, nếu không thì đập bỏ tại chỗ. Hình dáng của cặp bình đặc biệt ít có, chưa hiểu tại sao?

- Bài thơ của Đổ Phủ được viết lên cặp bình, chắc chắn là do ý của chính Hoàng Đế.

- Cặp bình toát ra một sự trang nghiêm, có phần khắc khổ vì không hề có một sự trang hoàng nào khác như là một chiếu chỉ làm trên đồ sứ.

- Nhưng sáng kiến đưa một sự kiện lịch sử có thật vào đồ sành sứ là một ý nghĩ rất lạ, có lẽ là ý muốn của Ung Chánh. Đây là một tác phẩm của thời kỳ Ung Chánh mới lên ngôi nên chất lượng và nghệ thuật chưa đặc sắc. Càng về sau, Ung Chánh đã đích thân nghiên cứu để thúc đẩy cải tiến sành sứ đến những đỉnh cao không đời nào sánh được.

 

Nhận xét về con người của Ung Chánh qua cặp bình có thơ Đổ Phủ:

Bài thơ ghi trên cặp bình do Đổ Phủ làm ở Thành Đô Tứ Xuyên năm 764, sau khi Quách Tử Nghi đánh đuổi giặc Thổ Phồn. Qua bài thơ, Đổ Phủ cho thấy ông ta có một tầm nhìn vượt thời gian rất xa.

VÂN BIẾN CỔ KIM BẮC CỰC

...

SƠN KHẤU ĐÀO MẠC TƯƠNG TRANH

LAI THIÊN ĐỊA VƯƠNG LUẬT PHÙ

Từ thế kỷ 8 đến nay, thế kỷ 21, sự thực vẫn xảy ra là Trung Quốc luôn phải luôn đối phó với phía Tây và Bắc như thời tiết thay đổi phải chứ không bình yên. Đến nay, Thanh Hải và Tây Tạng vẫn là hai nơi luôn luôn có sự chống đối chính quyền Bắc Kinh.

Người Việt cũng biết Đổ Phủ nhiều, nhất là qua câu: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy".

Về con người của Ung Chánh qua cặp bình và thơ của Đổ Phủ có thể nhận thấy:

- Ung Chánh là thế hệ thứ ba của người Mãn sau Thuận Trị và Khang Hy thống trị Trung Quốc nhưng đã thấm nhuần và đồng hóa với văn hóa Trung Quốc nên mới biết và hiểu hết về tất cả mọi nghệ thuật như thi, họa, sành sứ... Thậm chí trong văn hóa và nhất là sản xuất sành sứ, cả ba vua liên tiếp là Khang Hy, Ung Chánh và Càn Long, trong hơn 130 năm đã biết nghiên cứu học hỏi từ nghệ thuật của người Hán từ ngàn đời trước để đưa đồ sành sứ đến đỉnh cao nhất trong chất lượng và cả số lượng.

Cho đến ngày nay những tuyệt phẩm sứ đắc giá nhất về sành sứ Trung Quốc chì thuộc ba đời vua là:

1- Thành Hóa nhà Minh 

2- Ung Chánh đời Thanh.

3- Càn Long đời Thanh.

Trong 3 đời vua này có Ung Chánh chỉ cai trị 12 năm nhưng để lại rất nhiều đồ ngự dụng xuất sắc, có thể thấy về số lượng và chất lượng hơn hẳn đời Khang Hy và không kém đời Càn Long. Khang Hy thì có 61 năm, Càn Long 60 năm. 

Ung Chánh cũng không hẹp hòi trong việc tạo điều kiện cho nhiều người tài đến từ phương trời khác như  họa sĩ vừa là giáo sĩ dòng tên gốc Ý là Giuseppe Castiglione, tự là Lángshining(1688-1766) vẽ nhiều bất tranh đầy ý nghĩa còn lưu lại cho đến ngày nay như các tác phẩm:

- Bách Tuấn Mã (One Hundred Horses).

- Chúc Nhiều Điều May. Vẽ năm Ung Chánh Nguyên Niên 1723.

- Cúng Tết Đoan Ngọ. Vẽ năm 1732.

....Tất cả các tác phẩm của họa sĩ này vẽ trong thời Ung Chánh đều có ý hoặc do Ung Chánh ra đề tài.

Trước đó, nếu ai có đại công và khi qua đời thì các vua thường ban cho liễn trướng ghi mấy chữ nhưng có lẽ Ung Chánh là vua đầu tiên ban cho Niên Canh Nghiêu một món đồ sứ ghi rõ tên, chức vụ và chiến công của chính Niên. Rồi cũng không thấy các vua sau làm theo là ghi tên người được tặng vào món sành sứ. Có thể thấy ngay có hai lý do:

- Niên Canh Nghiêu đã gây một tiền lệ xấu cho sành sứ của Hoàng Đế chỉ định ban riêng. Vì không lâu sau khi được tặng thì người được tặng là Niên Canh Nghiêu bị thất sủng, bị bức tử và tài sản bị tịch thu. Sau đó mười năm còn lại cai trị của Ung Chánh không có ai lập đại công như Niên. Cũng có thể Ung Chánh tự thấy không nên quá ưu ái thuộc cấp có công để đến nổi sau đó trừng trị thẳng tay.

- sành sứ là đồ dễ bể nên đồ quí của Hoàng Đế ban cho phải có chỗ đễ an toàn Nếu được ban cho rồi lỡ tay làm bể đi thì phải chịu tội khi quân thì thật khó xử cho cả Vua lẫn tôi. Có lẽ vì vây mà khó thấy món đồ sành sứ khác được ghi tên người được ban như cặp bình này.

 

Ung Chánh Niên Canh Nghiêu 11

             Chú thích: Hàng chữ nhỏ bên ngoài ghi: ĐẠI TƯỚNG NIÊN CANH NGHIÊU BÌNH PHẢN HỮU CÔNG BẢO BỐI

 

- trong lúc đầu óc lo việc lớn, Ung Chánh vẫn can dự vào những việc rất nhỏ như làm ra món đồ sứ để thưởng công Niên Canh Nghiêu. Và món quà này có tính chất tư tưởng là lấy việc xưa cách đó hơn 10 thế kỷ để nói chuyện vừa xảy ra. Chứng tỏ trong lúc đó, năm 1724, Ung Chánh rất ưu ái Niên Đại Tướng. Thế mà khoảng thời gian hai năm sau, đến năm 1726 là năm Niên bị bức tử thì có lẽ Niên đã làm mất lòng Hoàng Đế qua nhiều chuyện nên Ung Chánh mới xuống tay, dù Niên là người nhà. Việc này cho thấy Ung Chánh rất nghiêm và khe khắt với người thân. Có lẽ sợ quốc pháp không nghiêm. Qua đó mà thấy, Ung Chánh là người vì việc nước, việc chung chứ không dung dưỡng bất cứ ai. Cho nên chỉ sau 12 năm trị vì, đến khi Càn Long lên ngôi thì Trung Quốc ổn định về mọi mặt: quân sự, chính trị, tài chánh, xã hội...

Trong khi những người không thân thuộc nhưng trung thành, và có lẽ không có bè phái thì được yên thân như Trương Đình Ngọc, Lý Vệ...

Ngày nay, ở Bắc Kinh và Đài Loan có công bố các sử liệu cho thấy Ung Chánh làm việc với cường độ cao hơn Khang Hy và Càn Long. Ung Chánh yêu nghệ thuật nhưng không vung tiền ra để lập những bộ sưu tập riêng đồ sộ và tốn kém như Càn Long.

Đến đây không thể không phân tích và tổng hợp mối quan hệ phức tạp giữa Ung Chánh và ba anh em nhà họ Niên là Tuần phủ Niên Hy Nghiêu( NIAN XIYAO), Đại tướng Niên Canh Nghiêu và Phúc Tấn Niên Thị. 

Tuần phủ tỉnh Hồ Bắc thời Khang Hy là Niên Hà Linh sinh ra ba người con đều có quan hệ mật thiết với Tứ Hoàng Tử Dận Chân sau là Ung Chánh Đế:

1- NIÊN HY NGHIÊU (1678-1738, tiếng Anh và Pháp viết NIAN XIYAO:

Ông này được hậu thế biết là vị quan coi các lò ngự dụng từ 1726 đến khi chết năm 1736. Nhiều sách vở cho rằng có loại sành sứ gọi là Niên Diêu(Nian yao) nhưng không rõ ông ta xuất sắc về sứ gì, và tuyệt đối không có đồ sành sứ đề họ Niên. Nhưng ông ta là một người đam mê học nhiều môn khoa học như toán học, hình học, y khoa....

Điều đặc biệt vô cùng quan trọng cho sành sứ của Trung Quốc là sau khi Niên Hy Nghiêu đến phụ trách các lò ngự dụng ở Cảnh Đức Trấn thì không bao lâu sau, Ung Chánh đã cử đến một thiên tài có một không hai trong sản xuất sành sứ từ cổ chí kim là ông Đường Anh. Điều này chứng tỏ Ung Chánh đặc biệt yêu thích đồ sứ và quan tâm đến việc sản xuất cho chính mình và cho cung đình. Không trách gì đồ sứ thời Ung Chánh trong thời gian ngắn đã để lại vô số đồ sứ tuyệt đẹp vì có sự hợp tác của hai thiên tài là Niên Hy Nghiêu và nhất là Đường Anh, cũng có thể có cả họa sĩ giáo sĩ người Ý là Giuseppe Castiglione Langshining góp phần để có đồ sành sau này gọi là Dương Thái, Pha Lang Thái... là đồ sứ vẽ màu kiểu Châu Âu.

Năm 1724, sau khi em ruột ông ta là Đại Tướng Niên Canh Nghiêu thắng trận ở biên giới mà chiến công được ghi trên cặp bình này, Niên Hy Nghiêu được Ung Chánh cho làm tuần phủ tỉnh Quảng Đông. Lúc đó Quảng Đông đang bị hạn hán và nạn dịch sốt rét làm hàng ngàn người chết.  Chỉ trong mấy tháng ở Quảng Đông mà đầu năm 1725, Niên Tuần Phủ viết ra một cuốn sách về nạn dịch này trong đó muốn tìm ra nguyên nhân bệnh dịch. Dịch qua tiếng Anh "Treatise on febrile epidemics".(Tạm dịch "Tìm hiểu về dịch sốt rét")

Không bao lâu sau đó, tháng 4 năm 1725, em của Niên Hy Nghiêu là Niên Canh Nghiêu thất sủng nhưng còn sống đến đầu năm 1726. Không biết do trùng hợp hay do người anh bị ngược đãi, em gái của Niên Đại Tướnh là Niên Phúc Tấn của Ung Chánh qua đời tháng 11 năm 1725.

Rồi chính Niên Hy Nghiêu cũng mất chức tuần phủ và chuyển về quản lý các Lò Ngự Dụng Cảnh Đức Trấn nhưng thuộc Nội Vụ Phủ, lúc đó do hoàng tử em thứ 13 của Ung Chánh là Dận Tường DI THÂN VƯƠNG điều khiển.

Niên Hy Nghiêu, ngoài ra năm 1729 còn viết cuốn sách "THỊ HỌC" về hình học ứng dụng trong hội họa và kiến trúc trong lúc điều khiển sự sản xuất sành sứ ngự dụng.. Điều đặc biệt là trong sách này Niên Hy Nghiêu có cho biết đã học nhiều ở giáo sĩ dòng Tên (Jésuite) nổi tiếng là Giuseppe Castiglione tự là Langshining ( 1688- 1766)để viết ra cuốn sách này.(tên Tiếng Việt của giáo sĩ này là LANG THẾ NINH. Giáo sĩ này là quan công họa  suốt 50 năm qua 3 đời vua liên tiếp là Khang Hy, Ung Chánh và Càn Long. Chứng tỏ Niên là người biết kết hợp sự hiểu biết của Đông và Tây trong ứng dụng vào nghệ thuật và kiến trúc. Niên là người có đầu óc cởi mở trong nghệ thuật, tìm học hiểu sự hay tốt của hai bên để đi xa hơn. Chính Castiglione Langshining cũng biết kết hợp Đông Tây nên để lại nhiều tác phẩm bất hủ cho đến ngày nay.

Sách "Thị Học" này được tái bản năm 1735, ba năm trước khi Niên Hy Nghiêu chết là năm 1738.

Tô Ung Chánh 38 cm 3                                                                  CT: Tô lớn 38 cm, có thể làm dưới thời Ung Chánh và do Niên Hy Nghiêu phụ trách  

                                                                                                                                                    sản xuất ở Cảnh Đức Trấn..

2- NIÊN CANH NGHIÊU (1679- 1726), tiếng Anh và Pháp là Nian Gengyao:

Năm 1700, Nghiêu đỗ tiến sĩ, làm việc ở Viện Hàn Lâm chức Nội Các Học Sĩ, từ đó quen biết nhiều hoàng tử và quan lại trong triều. Nhưng Nghiêu qua lại nhiều nhất với Tứ Hoàng Tử Dận Chân. Đến năm 1709, Dận Chân được phong làm Ung Thân Vương. Cũng năm đó, em gái của Nghiêu là Niên Thị được làm Phúc Tấn của Ung Thân Vương. Cũng năm 1709, Canh Nghiêu được bổ làm Tuần Phủ Tứ Xuyên. Cùng một triều,hai cha con là Niên Hà Linh và Niên Canh Nghiêu đều là quan đầu của hai tỉnh trong khi cả Trung Quốc chỉ có 18 tỉnh.

Những sự kiện này chứng tỏ nhà họ Niên đã đầu tư vào Ung Thân Vương 13 năm trước khi Dận Chận lên ngôi. Và cũng cho thấy rằng ảnh hưởng của Ung Thân Vương đã quan trọng với Khang Hy từ lâu rồi nên cả hai cha con họ Niên đều làm tuần phủ.

Đến năm 1717, Khang Hy thứ 56, giặc Dzungar, là một giống dân du mục nổi lên chiếm vùng Tây Tạng. Đề đốc Tứ Xuyên là Khang Thái đưa quân đi đánh thì bị quân tình nội loạn không điều đi được, không dẹp được giặc. Niên mật báo về triều đình xin cho mình tự giải quyết loạn này. Vua Khang Hy cho Niên Canh Nghiêu là quan văn kiêm luôn quân sự là chức Tổng Đốc. Canh Nghiêu dẹp được loạn này nên được trọng đãi. Đến năm 1720, Niên Canh Nghiêu là Xuyên Thiểm Tổng Đốc coi hai tỉnh  Tứ Xuyên và Thiểm Tây. Cần nói rõ tuần phủ là quan đầu tỉnh lo về mọi việc hành chính, kinh tế, xã hội...nhưng không chỉ huy quân sự. Chỉ huy quân sự ở tỉnh là đề đốc, chỉ vâng lệnh triều đình. Nơi nào cần thiết như Tứ Xuyên có loạn, Hoàng đế mới phong một Tổng Đốc, vừa là tuần phủ vừa là dề đốc để điều quân.

Cuối năm 1722, khi Khang Hy qua đời, theo truyền thuyết thì Ung Chánh lệnh cho Niên Tổng Đốc đem quân về kinh đô để khống chế lực lượng của các hoàng tử khác.

Chỉ mấy tháng sau, Ung Chánh phong Niên làm Bình Tây Đại Tướng Quân đi dẹp loạn ở Tây Bắc.

Cũng theo truyền thuyết , sau khi thắng trận và ỷ có nhiều công với Ung Chánh, và cũng là người trong gia đình Hoàng Đế, Niên phạm nhiều tội khi quân và lộng quyền với Vua và các đại thần. Có lẽ Niên Canh Nghiêu quá coi thường Ung Chánh và quên rằng Ung Chánh là vị Vua có nhiều thủ thuật vô cùng tinh vi để theo dõi tất cả các đại thần từ trong cung đình đến các tỉnh. Ung Chánh là người luôn cảnh giác với người chung quanh và các quan lại. Nhất cử nhất động của từng quan lại, Ung Chánh đều biết hết, từ điểm tốt đến tật xấu, từ lối sống đến đạo đức hàng ngày của các quan lại...Ung Chánh đều cho theo dõi hết. Sự thông minh của Ung Chánh là những mật báo viên và những báo cáo của họ đều được đưa về và chỉ có Ung Chánh là người duy nhất đọc được. Không ai biết được Ung Chánh có bao nhiêu mật báo viên, là người nào .v.v.. 

Cho nên, chưa tới hai năm sau khi Niên Canh Nghiêu được lên nhất đẳng đại thần, là Thái Bảo, là Đại Tướng... , tháng 3 năm 1725,Ung Chánh đã cho kể 92 tội của người anh rể để giáng chức rồi sau đó, Niên cố kêu oan và đàn hặc nhiều điều, nên bị giam và bị tự xử đầu năm Ung Chánh tứ niên là năm 1726. Đúng hai năm hai khi Đại Tướng Niên được thưởng cặp bình với bài thơ bất hủ này. 

Niên Canh Nghiêu còn để lại cuốn "NIÊN CANH NGHIÊU BINH PHÁP" ghi lại các dùng binh. Nhưng đến nay dư luận cho rằng sách này là chép lại và thêm thắt chứ không phải Niên Canh Nghiêu viết ra.

Niên Canh Nghiêu 001                                                                                 Chú thích: NIÊN CANH NGHIÊU, ảnh WWikipédia.

 

Sử không viết rõ là tài sản của Niên Canh Nghiêu có bị tịch thu hay không  nhưng cặp bình có ghi rõ năm 1724 này được may mắn còn lại cho đến ngày nay để làm chứng nhân cho quan hệ phức tạp giữa Ung Chánh và Niên Canh Nghiêu.

3- NIÊN THỊ, truy phong Đôn Túc Hoàng Quí Phi:

Người em gái của Niên Hy Nghiêu và Niên Canh Nghiêu này không rõ tên thật và năm sinh.

Chỉ biết năm 1709, khi Tứ Hoàng Tử Dận Chân được phong làm Ung Thân Vương thì Niên Thị vào làm Phúc Tấn của Ung Chánh. Co nghĩa là vợ thứ của Vương.

Ung Chánh cũng ưu ái người này nên cho ra đời được ba trai, một gái nhưng tất cả đều chết sớm. Thật là một điều không hay cho Ung Chánh và cả gia đình họ Niên.

Nhìn kỹ diến biến của từng người trong ba anh em họ Niên có qua lại với Ung Chánh thì sau khi Niên Canh Nghiêu bị thất sủng mấy tháng thì Niên Phúc Tấn qua đời vào tháng 11 năm 1725.

Ung Chánh cũng vẫn truy phong là Đôn Túc Hoàng Quí Phi, dù người anh đang bị trọng tội.

Sau khi giáng chức Niên Tổng Đốc, Ung Chánh cũng chuyển Niên Hy Nghiêu từ chức tuần phủ Quảng Đông về quản lý các lò Ngự Dụng Cảnh Đức Trấn, năm 1726. Chức vụ ở Cảnh Đức Trấn của Hy Nghiêu không được liên lạc thẳng với Hoàng Đế như chức Tuần Phủ mà phải qua Nội Vụ Phủ, lúc đó do người em thứ 13 của vua là Dận Tường đứng đầu.

Như vậy, chỉ trong năm 1725, cả ba anh em nhà họ Niên, từ chỗ cả ba đều được Hoàng Đế trọng dụng rơi vào thảm cảnh là Canh Nghiêu và Niên Thị mất mạng, Hy Nghiêu mất chức đầu tỉnh quan trọng nhất của Trung Quốc. 

Niên Hy Nghiêu có lẽ là không dám tham vọng nhiều chỉ chăm chú vào khoa học và vẫn lao vào  việc trông coi Cảnh Đức Trấn nên để lại tiếng rất tốt cho việc nghiên cứu khoa học và sành sứ Trung Quốc. Ông ta còn sống đến năm 1736 và được giới nghiên cứu đến ngày nay cho rằng ông ta đã có công trong cải tiến đồ sứ ngự dụng. Nhưng không có bằng chứng gì cụ thể là ông Niên đã làm những loại sứ gì.

Có phải là Niên Hy Nghiêu có may mắn làm việc với ông Đường Anh hay không?

Ông Đường Anh là người duy nhất được hai cha con hoàng đế là Ung Chánh và Càn Long cho ghi tên trên vài tác phẩm ngự dụng cùng với tên và niên đại của vua.  Hình dưới đây lấy từ Bồn Đường Anh làm cho Ung Chánh xử dụng, ghi rõ chức vụ và tên Đường Anh: "...ĐẠI THANH UNG CHÁNH NỘI VỤ PHỦ ĐƯỜNG ANH ĐỐC QUẢN..."

Bốn chữ trong ô vuông là "CUNG ĐÌNH CHUYÊN DỤNG"

 

Đường Anh Đốc Quản

 

 Ông Niên Hy Nghiêu hoàn toàn không có tên trên bất cứ món đồ sứ nào.

Có điều chắc chắn rằng Hy Nghiêu là người có chức vụ điều khiển ông Đường Anh vì ông ta nguyên là quan đầu tỉnh đổi về điều hành Cảnh Đức Trấn. Cón ông Đường Anh vẫn còn thuộc Nội Vụ Phủ ở Bắc Kinh và như vậy lo về kỹ thuật làm đồ sứ với chức Đốc Quản, tiếng Việt là quản đốc, chưa phải thuộc hàng quan lại như Niên Hy Nghiêu.

Qua cặp bình này, có thể thấy Ung Chánh muốn đánh dấu lịch sử bằng một tác phẩm sứ, là một sáng kiến chưa có đời nào nghĩ và thực hiện. Cặp bình này là chứng nhân của nhiều việc:

- sự kiện lịch sử là Niên Canh Nghiêu dẹp giặc ở Tây Bắc Trung Quốc năm Ung Chánh Nhị Niên, là năm 1724 dương lịch.

- lòng ưu ái của Ung Chánh với Niên Canh Nghiêu trước năm 1725. Sau đó Niên Canh Nghiêu thất sủng rồi phải tự xử năm 1726. Chỉ trong hai năm mà quan hệ vua tôi thắm thiết biến thành thảm kịch ghi trong lịch sử cho đến ngày nay. Dã sử đã cho rằng Ung Chánh là ông vua ác đã để lại nhiều vụ án quá nặng nề trong đó có vụ bức tử Niên Canh Nghiêu.

- nhưng khi đứng trước cặp bình, không thể không có cảm giác về sự ưu ái đặc biệt của Ung Chánh đối với Niên Canh Nghiêu.Cặp bình với bài thơ bất hủ của đại thi hào ĐỖ PHỦ toát ra một sự trân trọng của Ung Chánh với công trạng của Niên Canh Nghiêu, còn chuyện sau đó là khác đi.

 Cuối tháng 1 năm 2016, Đài TRUYỀN HÌNH ICTV, đài truyền chính thức về Văn Hóa Trung Quốc có đưa lên Youtube một vidéo về vấn đề tại sao Niên Canh Nghiêu bị Ung Chánh bức tử. Tư liệu này cho thấy tìm được hai văn bản do chính Ung Chánh gởi cho Niên Canh Nghiêu.

Tài liệu này cũng nhắc là sau đại thắng của Niên, ngoài vô số phần thưởng cho cả Niên và Long Khoa Đa. Trong số đồ thưởng có ghi Ung Chánh cho đặt bàn ghế gỗ để ban cho nhưng không thấy ghi nhận đồ sứ.

Người thuyết minh phim này nhắc đi lại, không biết tại sao Niên Canh Nghiêu lại thất sủng mau và thê thảm như vậy. Kể cả vua Càn Long sau này cũng không hiểu sự kiện này.

Phim tài liệu này đưa ra vài thủ bút của Ung Chánh đã nhắc nhở bằng hai văn bản kể trên đây, trong đó có câu ghi rõ bằng chữ tía:

"Chúng ta nên giữ cho chính mình và phải làm gương cho đời sau"

Nhưng Niên Canh Nghiêu vẫn không thay đổi cách đối xử có lẽ vì nghĩ rằng mình đã có đại công thì Hoàng Đế không thể xuống tay.

 

Như vậy, Niên Đại Tướng đã có nhiều hành động và ứng xử không đúng nên đã bị các quan mật tấu. Những vấn đề của Niên Canh Nghiêu sau khi lập đại công gồm (theo tài liệu truyền hình Trung Quốc):

- phạm tội khi quân qua nhiều việc như mạo danh Hoàng Đế cho ý kiến với các quan và các chư hầu ở biên giới phía Tây Trung Quốc như Tây Tạng, Mông Cổ... Khi vào yết kiến Hoàng Đế thì cưỡi ngựa đến gần mới xuông ngựa.

- nhận hối lộ để đề bạt quan chức. Theo mật thám của Ung Chánh thì Niên Đại Tướng đã nhận hối lộ đến 1 triệu lượng bạc từ các quan muốn thăng chức và số bạc khổng lồ này được dấu ở nhiều nơi khác nhau nhưng không qua mặt được Ung Chánh.

- ăn uống xa xỉ và lạm dụng của công phục vụ cho riêng mình. Thí dụ là huy động hàng ngàn người để lo cho bữa ăn hàng ngày của chính mình. Thịt thì tìm thú hiếm, rau chỉ ăn đọt non, trái cây chỉ ăn đồ tươi, có khi cho tìm rồi đem gấp từ cả ngàn cây số...để Đại Tướng vừa miệng.

Phim tài liệu cho biết có văn bản ghi là phải dùng 90 xe kéo để chở vàng và bạc của Niên Canh Nghiêu khi Niên Canh Nghiêu đã chết.

Kết luận, phim tài liệu chính thức của Trung Quốc cho rằng, lỗi là hoàn toàn do Niên Canh Nghiêu cậy công, coi thường mọi người, coi thường hoàng đế dù đã được nhắc nhở. Nếu biết thay đổi sau khi được nhắc nhở thì không đến nỗi bị bức tử.

 

Một vấn đề vô cùng may mắn là không hiểu sau khi Niên Canh Nghiêu bị thất sủng và bị tịch thu tài sản, không biết tại sao cặp bình này vẫn còn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay để làm chứng nhân đầy ý nghĩa của lịch sử. Cặp bình đang ở trong tay một tư nhân chuyên sưu tập ở Châu Âu. Chắc chắn rằng quà tặng của Hoàng Đế ban thì phải giữ thật kỹ và không được bán ra.

Sau khi cả hai anh em Niên Hy Nghiêu thất sủng và Niên Hy Nghiêu mất chúc đầu tỉnh Quảng Đông nhưng được cho đứng đầu các Xưởng Ngự Dụng ở Cảnh Đức Trấn từ năm 1726 và nhất là năm sau có mặt ông Đường Anh cạnh Niên Hy Nghiêu thì đồ sứ ngự dụng thời Ung Chánh tiến nhiều bước dài trong tất cả mọi công đoạn của sản xuất sứ. Trong việc đưa hai người này làm chung một chỗ và có kết quả vượt bực cho nghệ thuật sành sứ, cho thấy cách dùng người tài của Ung Chánh có hiệu quả mà không hề câu nệ Hy Nghiêu là anh ruột của người bị tội khi quân. Còn Đường Anh xuất thân là người Hán nô lệ. Nhờ Ung chánh mà hai ông này đi vào lịch sử và là hai người nổi danh nhất của sản xuất sanh sứ Ngự Dụng. Cũng không quên rằng Ung Chánh đặc biệt quan tâm đến việc cải tiến sản xuất đồ sứ cho Cung Đình.  Thấy được rằng chỉ 9 năm mà Niên Hy Nghiêu và Đường Anh làm chung ở Cảnh Đức Trấn dưới triều đại của Ung Chánh, để lại vô số tuyệt phẩm sứ ngự dụng mà người có duyên ngày nay được ngưỡng mộ.

Theo bà HE LI, trong tác phẩm La CERAMIQUE CHINOISE, dịch tiếng Việt là Sành Sứ Trung Quốc, xuất bản ở Pháp năm 2006 thì Ung Chánh cho tập trung tất cả sành sứ đẹp từ các đời Hán, Đường, nhất là Tống và Minh ở Nội Vụ Phủ và từ đó cho người sáng tác ra mẫu đồ sứ cho riêng thời của Ung Chánh. Mỗi mãu mã mới sáng tác phải vẽ trên giấy có khi 20 bản khác nhau để Ung Chánh chọn. Sau khi chọn mẫu trên giấy thì cho nghệ nhân thợ mộc tạc mẫu bằng gỗ và sơn màu theo ý vua sau đó gởi về cho Niên Hy Nghiêu và Đường Anh ở Cảnh Đức Trấn tổ chức sản xuất theo ý vua. Chỉ của Ung Chánh cũng như các hoàng đế khác từ trước ghi rõ số lượng phải làm ra và phải giao về Hoàng Cung đúng thời hạn do Hoàng Đế chỉ định.

Qua đồ sứ ngự dụng thời Ung Chánh, qua cặp bình này, có thể thấy rằng Ung Chánh là người có đầu óc và người biết khuyến khích người có tài, có công nhưng lại rất nghiêm khắc với người có tội, dù là anh em ruột như các hoàng tử khác chống lại ông ta, dù là người nhà đã có nhiều công lớn như trường hợp Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa. Vì nhiều sự nghiêm khắc rõ ràng cho nên ngày nay, dã sử đánh giá Ung Chánh là một hoàng đế tàn ác nhất đời Thanh mà quên những mặt tốt khác của Ung Chánh.

_______________________________

 Hai hình dưới để phân biệt hai màu men ở Cảnh Đức Trấn và ở Bắc Kinh.

 

 

 

Tô Ung Chánh 38 cm 6                                                                         Chú thích: Hình này trích từ một tô lớn thời Ung Chánh. Tuy vẽ sơn thủy nhưng cách vẽ, viễn ảnh có khác hơn thời trước nên thỉnh thoảng có người vẫn cho là Niên Diêu, có nghĩa là sứ do Niên Hy Nghiêu làm ở Cảnh Đức Trấn.

So sánh hai màu xanh lam của tô trên và bình dưới thì màu tô làm ở Cảnh Đức Trấn rực rỡ hơn màu xanh trên bình hầm hai lần ở Nội Vụ Phủ ở Bắc Kinh.

Nien canh nghieu 5

 

 

 

 

 

 

 

Publicité
Publicité
Commentaires
asian.antic.arts
Publicité
Archives
Newsletter
Visiteurs
Depuis la création 11 496
Publicité