Canalblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
Publicité
asian.antic.arts
10 juillet 2016

BỘ NGỌC CHỨNG MINH THUẬN TRỊ CÒN SỐNG ĐẾN NĂM 1684(GIÁP TÝ)

 

thuận trị thông baao 14

 

MÔ TẢ:

Bộ ngọc gồm 3 phần: 2 cây ngọc hung  (1 cây 4 cạnh, 1 cây 6 cạnh), 1 ngọc có hình người là ngọc máu gà, kê huyết.

1- Cây ngọc 4 cạnh cao 12 cm thuộc loại ngọc hung (jade fauve). Nhìn từ trên xuống, đọc được 4 chữ lớn THUẬN TRỊ THÔNG BẢO.

Bốn chữ này có trên đồng tiền thời Thuận Trị và thấy vật báu có khắc các chữ này như là thấy mặt Thuận Tri.

Một mặt khắc bài thơ  12 chữ sau đây:

PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI

CAO CUNG HẬU VĨNH

THỌ TỈ NAM SƠN

 

Có thêm 5 chữ rất nhỏ : Giáp Tý Nhị Nguyệt Tác= làm ra tháng hai năm giáp tý, 1684.

 

Ba mặt còn lại khắc một cảnh chùa trên núi, sơn thủy, và một căn nhà cũng trên núi cao. Mỗi mặt đều có một chữ THỌ lớn.

thuận trị thông baao 13                                                                                           Bốn chữ "THUẬN TRỊ THÔNG BẢO"

 

2- Cây ngọc có 8 cạnh, ngọc hung (jade fauve), 12 cm, nhìn từ trên xuống khắc 4 chữ lớn

                                                                                             NHẬT ĐẠO ĐẤU KIM

Một mặt, khắc hai câu thơ sau đây:

THIÊN KHAI TUẾ NGUYỆT NHÂN KHAI THỌ

XUÂN MÃN NHÂN TUẦN PHƯỚC MÃN ĐƯỜNG

 

7 mặt còn lại của cây ngọc khắc ngôi chùa và hai mái nhà trong cảnh sơn thủy trên núi cao.

3- Cây ngọc  máu gà, "chicken blood" (khắc hình người như một vị sư khoảng 50 tuổi nhưng da mặt sần lên như bị bệnh ngoài da).

Nhận xét về bộ ngọc:

- Có thể gọi đây là ngọc Tam Sự, Thiên Địa Nhân. Ngọc bốn cạnh là mặt đất, ngọc 8 cạnh là trời, con người ở giữa.

- Ngọc hung và ngọc kê huyết là ngọc hiếm.

- Người khắc hình và khắc chữ trên bộ ngọc là một nghệ nhân có tài vì khắc các chi tiết rất tinh vi và nghệ thuật. Nhất là chữ được khắc rất nhỏ nhưng rõ và sắc sảo.

Chính sử về Thuận Trị:

Thuận Trị là con thứ 9 của Hoàng Thái Cực và là vị vua thứ ba người Mãn sau Thái Tổ và Hoàng Thái Cực. Phúc Lâm, tên ra đời của Thuận Trị, sinh tháng hai năm 1638 . Cuộc đời Thuận Trị là kết quả của vô số bất ngờ của lịch sử Trung Quốc. Có thể kể vài sự trùng hợp kỳ lạ như sau:

1- Cha là Hoàng Thái Cực chết bất ngờ, chưa chỉ định người kế vị. Lý ra phải lập Hào Cách là con trai trưởng, lúc đó trên 30 tuổi lên ngôi.

2- Nhưng Hào Cách là lại không đủ thế lực để lên ngôi vì  chú của Hào Cách và của Phúc Lâm là Đa Nhĩ Cổn, nhân vật đại tài của nhà Thanh lúc đó nắm quyền lực muốn lên ngôi nhưng sợ nhiều người bất phục. Ông này lại sợ Hào Cách lên vững ngôi sẽ diệt chú . Giải pháp tạm thời của chú cháu là để cậu bé 5 tuổi Phúc Lâm ngồi tạm chỗ ngai vàng. Đa Nhĩ Cổn dự tính làm Nhiếp Chính Vương để thâu quyền rồi lên ngôi sau khi chinh phục Trung Quốc. Đây là sự không bình thường do tính toán chính tri nên Thuận Trị mới được hay là bị lên ngôi nhưng không có quyền.

- Mấy tháng sau, khi Thuận Trị chính thức làm vua nhà Mãn Thanh đầu năm 1644, thì kinh đô Trung Quốc là Bắc Kinh bị rơi vào tay của Lý Tự Thành là thủ lĩnh nông dân nổi loạn chống vị Hoàng Đế cuối cùng nhà Minh là Sùng Trinh. Sùng Trinh phải treo cổ tự tử. Đây lại là một sự kiện không ngờ nhưng vô cùng thuận lợi cho người Mãn luôn chuẩn bị chinh phục Trung Quốc từ khi Hoàng Thái Cực lên ngôi năm 18 năm trước là năm 1626. Đây cũng là một biến cố không ngờ khác để nhà Minh bị diệt và nhà Thanh vào Trung Nguyên để cậu bé Thuận Trị làm hoàng đế của cả Trung Quốc.

- Ngô Tam Quế là Tổng Binh nhà Minh đang chống lại quân Thanh ở phía Bắc đem 10 vạn quân về đánh Lý Tự Thành, cứu Bắc Kinh. Gần về tới Bắc Kinh, Ngô Tam Quế nhận được nhiều tin dữ là kinh đô bị Lý Tự Thành chiếm, Vua Sùng Trinh tự tử, cha của Ngô Tam Quế bị quân Lý Tự Thành giết, ái thiếp được yêu nhất của Ngô là Trần Viên Viên bị cưỡng đoạt...Trong giờ phút tối trọng của xã tắc, Ngô Tam Quế đã tự quyết định một việc vô cùng hệ trọng cho cả nhà Minh lẫn nhà Thanh là quay lại xin hàng ngoại bang là người Mãn, lúc đó do Đa Nhĩ Cổn nắm quyền, để giết cho được Lý Tự Thành. Nhờ đó mà nhà Thanh đã chiếm được cả Trung Quốc một cách dễ dàng, chính triều người Mãn Thanh không ngờ có một cơ hội ngàn năm như vậy.

Tháng 7 năm 1644, Đa Nhĩ Cổn và Ngô Tam Quế đuổi được Lý Tự Thành ra khỏi Bắc Kinh. Đa Nhĩ Cổn lo việc tiếp thu Bắc Kinh và ổn định tình thế.

Đa Nhỉ Cổn quyết định và tổ chức cho Thuận Trị vào Bắc Kinh ngày tháng 10, năm 1644. Từ đó cho đến 1650, Hoàng Thúc Phụ Nhiếp Chính Vương Đa Nhĩ Cổn làm tất cả mọi việc của Hoàng Đế, Thuận Trị chỉ là biểu tượng cho Đa Nhĩ Cổn nắm quyền. Trong thời gian hơn sáu năm 1644-50, Đa Nhĩ Cổn đã thực hiện mơ ước và kế hoạch từ ba đời Mãn là chiếm toàn bộ Trung Quốc và đưa Hoàng Đế nhà Thanh về Bắc Kinh cai trị  và triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến này kéo dài hơn 250 năm.(1644-1911)

Rất may cho Thuận Trị và rủi thay cho nhân tài Đa Nhĩ Cổn bị chết trong một cuộc săn bắn lớn ở Hà Bắc cuối năm 1650, chỉ mới 37 tuổi.

Thuận Trị lớn lên trên ngai vàng nhưng có tâm phật, hoàn toàn không có tai tiếng suốt 17 năm trị vì. Thuận Trị rất sùng đạo Phật. năm 1649, năm sau khi vào Trung Nguyên, Thuận Trị cho đón Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 là  LOBSANG GYASTO từ Tây Tạng đến biên giới Trung Quốc, Thuận Trị đã cho 3000 kỵ binh đến rước về. Đích thân Thuận Trị đã rời đô để đón Đạt Lai Lạt Ma cách Bắc Kinh 30 cây số. Thuận Trị giữ vị Lạt Ma này suốt ba năm để học đạo rồi mới để Lạt Ma về Tây Tạng.

Thuận Trị cũng rất say đắm bà Đổng Ngạc Phi.

Đổng Thị được phong Hoàng Quí Phi cho ra đời một hoàng tử tháng 11 năm 1657 nhưng hoàng tử này không sống đến đầy năm thì cuối 1658 chết non. Đổng Ngạc Hoàng Quí Phi lại qua đời tháng 9 năm 1660.

Nhiều nguồn không chính thức cho rằng Thuận Trị sau đó bị bệnh đậu mùa đầy mặt và không muốn lâm triều nữa. Chính sử ghi Thuận Trị băng hà tháng hai năm 1661 nhằm tháng giêng năm Tân Sửu. Hoàng Tử Huyền Diệp lên ngôi lấy niên hiệu là Khang Hy từ đầu năm 1662.

thuận trị thông baao 12                                                    Chú thích hình trên: Bài thơ 12 chữ : Phúc như Đông Hải...Thọ Tỷ Nam Sơn

                                                                     Dòng chữ nhỏ bên trái ghi: Giáp Tý Nhị Nguyệt Tác

                                                                           (Làm ra tháng hai năm Giáp Tý, là năm 1684)

 

 

 

 

Về nghi vấn Thuận Trị đi tu:

Cái chết của Thuận Trị là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhà Thanh, cho đến nay chưa có tài liệu làm sáng tỏ.

Nhiều truyền thuyết cho rằng Thuận Trị không chết vào năm 1661 mà thoát thân rời bỏ thế cuộc, từ bỏ uy quyền tột đỉnh của cả một đế quốc rộng lớn nhất của Châu Á để trở thành một nhà sư ở Thanh Lương Tự, trên dãy núi Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây, là nơi được cho là chỗ hiển thánh của Văn Thù Bồ Tát. Cũng theo dã sữ thì Thuận Trị bị bịnh đậu mùa, tàn phá đầu và mặt nên không còn muốn ai thấy nên tự dàn xếp cái chết ở tuổi 23 để tu ở Thanh Lương tự.

Bô ngọc này nói lên nhiều vấn đề quan trọng về một nghi vấn lớn của đời Thanh cho đến nay chưa sáng tỏ là cái chết của Thuận Trị. Vua này chết thật hay thoát thân đi tu?

Các vấn đề dặt ra với bộ ngọc Thuận Trị Thông Bảo này:

- Trước hết bốn chữ Thuận Trị Thông Bảo chỉ do một hoàng đế đương trị có quyền cho viết hoặc khắc. Nhưng hàng chữ "Giáp Tý Nhị Nguyệt tác" xác định bộ ngọc được làm ra năm giáp tý là năm 1684, là năm theo chính sử, Thuận Trị đã chết 23 năm rồi. (Thuận Trị chính thức qua đời tháng 2 năm 1661, sau 17 năm làm hoàng đế đầu tiên người Mãn trị vị cả nước Trung Hoa. Bộ ngọc này ghi "GIÁP TÝ Nhị Nguyệt Tác" chỉ có thể làm năm 1684 vì năm giáp tý trước là năm 1624, chưa có nhà Thanh, chưa có Thuận Trị.

-Người duy nhất có quyền cho khắc các chữ trên bộ ngọc có đề Thuận Trị và thơ chúc thọ là Khang Hy Hoàng Đế, trị vì suốt 61 năm sau Thuận Trị. Như vậy năm Giáp Tý 1684, nếu Thuận Trị còn sống thì được 47 tuổi và Khang Hy 31 tuổi theo âm lịch. Có phải Khang Hy vì không găp được cha mà cho khắc ngọc này để chúc thọ cha nhân sinh nhật của Thuận Trị. Thuận Trị sinh và theo sử cũng chết vào đúng tháng hai âm lịch.

- Rõ ràng hai hai bài trên đây là hai bài thơ chúc thọ. Nhưng cây ngọc lại có chữ Thuận Trị Thông Bảo thì chỉ có chúc thọ cho Thuận Trị mà thôi. Rồi lại có chữ rất nhỏ nhưng sắt sảo là Giáp Tý Nhị Nguyệt Tác, làm vào tháng hai năm Giáp Tý. Người cho khắc các chữ này thật là thâm thúy vì nhiều điểm:

. ngọc trong chữ Hán là bộ của chữ VƯƠNG. Vươnglà đứng đầu thiên hạ, là sự nối liền của THIÊN, ĐỊA và NHÂN, và bộ ngọc tam sự này có cả ba phần là Thiên, Địa và Nhân. Người cho làm bộ ngọc này để ngầm ý cho thấy để nghĩ hoặc tặng cho một vua. Hình người của bộ ngọc này lại có đầu và mặt sần sùi đúng như người bị bệnh đậu mùa rất nặng. Mà truyền thuyết cho rằng Thuận Trị đã chết vì đậu mùa.

. với hai bài thơ chúc thọ Phúc Như Đông Hải... chỉ dành cho người chủ của giang và sơn. Hơn nữa, trên bộ ngọc lại khắc một cảnh có cụm chùa lớn với chùa nhỏ để chỉ rằng chúc thọ cho một người đang ở trong chùa trên một núi cao như trong hình dưới đây. Và người đó có lẽ là hình người trong bộ ngọc cũng có vẽ bị nổi sần sùi cả trên đầu và mặt. Nhất là bốn chữ "CAO CUNG HẬU VĨNH" cũng là chúc người đang ở trên Cung cao. Có thể dùng chữ Cung để tránh chữ Tự, chỉ chùa. Sự tế nhị là trong bộ ngọc khắc cảnh chùa chứ không phải cung. Cũng biết rằng Cung thường để dùng cho Hoàng Đế như Hoàng Cung, Nội Cung, Cung Đình...

                                             

thuận trị thông baao 9

 

 Tuy chỉ trong một vài nét khắc cảnh sơn thủy trên một cụm núi cao với nhiều chùa cho có cảm giác như nhìn vào cảnh Ngũ Đài Sơn như có thể thấy trong hình chụp ngày nay.

Bài thơ thứ hai cũng rõ ràng chúc thọ và phúc:

Thiên Khai Tuế Nguyệt Nhân Khai Thọ: Câu này có lẽ chúc cho người này thọ như thời gian và xin Trời cho con người thọ lâu dài.

Xuân Mãn Nhân Tuần Phước Mãn Đường: Mong cho người (nhân tuần) được phúc do mùa xuân đem lại.Mãn chỉ sự sung mãn, tràn đầy.

 

Bài thơ " Phúc như Đông Hải..." có thể là một công thức chúc tụng Hoàng Đế thời Thanh, nhưng bài thơ "Thiên Khai Tuế Nguyệt..." là một bài thơ đối rất chỉnh.

Không rõ các câu này là công thức chúc thọ cho hoàng đế hay do chính người chủ của bộ ngọc sáng tác.

Cả hai bài thơ này chứng tỏ lòng kính trọng và yêu thương bao la của người cho khắc bộ ngọc này đối với Thuận Trị Hoàng Đế.

thuận trị thông baao 17                                              Chú thích: Hình trên là hai câu thơ: "Thiên Khai Tuế Nguyệt...Xuân Mãn Nhân Tuần..."

Nếu thật sự bộ ngọc này do Khang Hy cho làm thì cũng cần biết rằng tất cả mọi sự thâm thúy trong bộ ngọc này là do một người đã học và hiểu sâu rộng văn hóa Trung quốc của người Hán, văn hóa đã có từ ngàn đời. Sở dĩ như vậy vì Khang Hy (tên từ nhỏ là Huyền Diệp) có mẹ là người Hán có tên là Đông Giai Thị, chỉ là thứ phi của Thuận Trị. Bà họ Đông này khi sinh ra Huyền Diệp được lấy tên người Mãn. Khi con lên ngôi là Khang Hy thì được chức là Từ Hòa Hoàng Thái Hậu. Như vậy Khang Hy có 50% là người Hán nên hiểu văn hóa Hán là không khó.

Ngày nay, được biết rất nhiều bài thơ của Khang Hy và nhất là nhiều thơ của Càn Long. Khi so sánh thì thấy văn của Khang Hy thâm thúy hơn của Càn Long rất nhiều dù rằng sử cho rằng Khang Hy lúc còn sống đã rất mến tài của cháu nội là Hoằng Lịch (Càn Long sau này).

 

Có thể nhận một sự khó hiểu, không giải thích thỏa đáng, đó là bốn chữ khắc trên đầu cây ngọc 8 cạnh như hình dưới đây:

thuận trị thông baao 16                                                                                   Bốn chữ trên đây: "NHẬT ĐẠO ĐẤU KIM"

Thật tình khó mà suy diễn người cho khắc 4 chữ này muốn nói điều gì?

Trong khi tất cả các chữ khác được khắc thì rõ ràng để chúc thọ cho một người mà người duy nhất được khắc tên là Thuận Trị.Nhưng 4 chữ

Nhật Đạo Đấu Kim thật là khó hiểu. Hay là người chủ bộ ngọc này muốn nói lên một uẩn khúc mà không nói thẳng, nói trắng ra được.

Đến đây không thể không cảm nhận được bi kịch mà cả hai cha con Thuận Trị và Khang Hy đã phải lâm vào.

Thuận Trị mới 6 tuổi phải lên ngôi Hoàng Đế với tất cả các lễ nghi và cuộc sống bị ràng buộc, mọi việc đều do những người khác sắp xếp để cậu bé này  phải làm theo. Từ khi Thuận Trị lên ngôi năm 1644 đến cuối năm 1650, Đa Nhĩ Cổn, người chú Nhiếp Chính Vương và mẹ ruột là Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu quyết định đồng thời kiểm soát Thuận Trị gắt gao. Đến khi Đa Nhĩ Cổn chết năm 1650, thì còn mẹ Hoàng Thái Hậu lo việc triều đình. Có lẽ vì bị ràng buộc từ nhỏ nên chỉ nghĩ đến thoát trần qua việc sùng đạo Phật... Rồi đến khi yêu thương bà Đổng Ngạc Phi, sinh một hoàng tử bị chết non, sau đó chính bà Phi này cũng từ trần. Sau đó bản thân Thuận Trị bị tàn phá đầu và mặt..

.Nếu Thuận Trị thật sự đi tu thì đây là sự kiện lịch sử tuy siêu thực nhưng cũng có thể xảy ra.Có thể vì Thuận Trị tự nhận thấy chính mình đã may mắn nhiều lần, không thể có thêm nhiều may mắn hơn để kiếp sau chịu nhiều thảm kich. Nhất la hoàng đế mà đầu mặt bị tàn phá thì sung sướng gì. Đi tu thì không ai còn thấy dung nhan đó nữa.

Thuận Trị Thông Bảo 1                                                                                          Trên đây là hình người của bộ ngoc

 Về phần Khang Hy, nếu truyền thuyết đúng là Thuận Trị thoát thân đi tu thì 8 tuổi Khang Hy lên ngôi phải đối phó với bao nhiêu vấn đề của giang sơn xã tắc vì người Hán chưa phục người Mãn, thế lực của nhà Minh vẫn còn như Loạn Tam Phiên (Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tỉnh Trung, Trịnh Thành Công) còn kéo dài đến 1681 là năm Khang Hy thứ 19. Nội bộ thì Ngao Bái lộng quyền lấn át vua còn quá nhỏ. Tự Khang Hy chỉ biết làm theo sự an bài của Ngao Bái. May thay, Khang Hy và bà nội là Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu đều là anh hùng về chính trị nên  phải nhẫn nhục khuất phục Ngao Bái suốt 8 năm mà không lộ vẻ gì đến năm 16 tuổi mới giết người phụ chính này để nắm lại quyền. Nếu thực sự Thuận Trị còn sống trong 8 năm Ngao Bái lộng quyền thì Khang Hy đã phải ngậm đắng nuốt cay vì cha mình đã bỏ rơi mình quá sớm...Đến khi tự Khang Hy nắm quyền cũng không thể cho cha mình thấy mình đã nối tiếp xuất sắc sự nghiệp mà tổ tiên để lại lúc còn ngổn ngang cho một cậu bé 8 tuổi. Nếu Khang Hy cho khăc bộ ngọc cũng để phần nào nguôi ngoai tâm sự vô cùng mâu thuẫn của một đại đế có nhiều uẩn khúc.

Mong sẽ có nhiều độc giả hiểu biết hơn giúp cho làm sáng tỏ nghi vấn này.

Dù gì đi nữa thì khi chính sử đã ghi thì không thể sửa lại được vì lịch sử do con người viết chứ không ngược lại. Nhưng bộ ngọc có thể góp một phần vào một huyền thoại và là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhà Thanh và Trung Quốc.

 

Hủ Thuận Trị 5

                                                                    Chú thích: đề hiệu "Đại Thanh Thuận Trị Niên Chế" của đồ sứ.

 

 

 

 

 

 

Publicité
Publicité
Commentaires
asian.antic.arts
Publicité
Archives
Newsletter
Visiteurs
Depuis la création 11 496
Publicité